Đức Phật đản sinh vào thế giới này khi hội tụ đủ các nhân duyên

Lúc vẫn là một Bồ Tát ở trên cung trời Đâu Suất, thì Đức Phật đã quán sát, thấy được tất cả sự hội tụ những nhân duyên cần thiết trước khi Ngài đản sinh vào cõi Ta bà này. Đây cũng được xem là thời điểm thích hợp nhất để Ngài hạ sinh cõi này, nơi Ngài sẽ bắt đầu ban truyền giáo pháp, bởi đẳng cấp của dòng họ Ngài sẽ được hạ sinh, một gia đình hoàng tộc, một người mẹ đáng kính mà Ngài quyết định gửi thân tái sinh. Thời điểm Đức Phật đản sinh cũng chính là lúc để xóa tan những điều tối tăm của vô minh, hướng dẫn chúng sinh thoát khỏi sự khổ đau.

Chọn thời kỳ thích hợp để đản sinh

Chọn thời kỳ thích hợp để đản sinh
Chọn thời kỳ thích hợp để đản sinh

Khi sắp hết thọ mạng tại cung trời Đâu Suất, Bồ Tát Hộ Minh đã quán sát nhân duyên để chọn ra thời kỳ giáng sinh thích hợp. Ngài xem xét lúc này mức độ tà kiến, mê mờ, rối loạn của chúng sinh đã đúng thời chưa? Tà đạo có lộng hành, dân chúng có rối ren hay không? Chính Pháp của các Đức Phật thời kỳ trước còn tồn tại hay đã tận? Nếu chính Pháp đang còn thì Ngài sẽ chưa giáng sinh. Khi đó, tại Ấn Độ có tới 96 thứ đạo giáo nên chính là thời điểm thích hợp để Bồ Tát Hộ Minh đản sinh, chấn chỉnh các đạo giáo. Cho nên, Ngài chọn thời điểm đó và chọn cõi Diêm Phù Đề để giáng hạ.

Chọn châu quận, lục địa thích hợp

Tiếp đến Bồ Tát quán sát xem châu quận, lục địa nào phù hợp để thành tựu mục đích tối thượng. Khi quan sát kỹ trong bốn châu thiên hạ là Bắc Câu Lô châu, Tây Ngưu Hóa châu, Đông Thắng Thần châu và Nam Thiện Bộ châu, Bồ Tát Hộ Minh thấy Nam Thiện Bộ châu tức là châu con người đang sống, vị trí nằm ở phía Nam núi Tu Di chính là nơi thích hợp nhất để Ngài đản sinh.

Chọn quốc độ thích hợp

Sau khi chọn được châu quận phù hợp, Ngài quán sát tiếp về quốc độ thích hợp trong Nam Thiện Bộ châu để đản sinh và giáo hóa muôn loài chúng sinh. Ngài đã quán sát và chọn quốc độ giáng trần là đất nước Ca Tỳ La Vệ – xứ Trung Ấn. Tuy Ca Tỳ La Vệ (một thành quốc của Ấn Độ cổ đại) là một vương quốc nhỏ nhưng lại ở trung tâm, là nơi trù phú nhất, đông dân cư; rất thích hợp cho việc lan tỏa được giáo lý Phật Pháp của đến muôn nơi.

Chọn dòng tộc, gia tộc thích hợp

Khi biết mình sẽ giáng sinh xuống trần gian thì Bồ Tát Hộ Minh hỏi thiên tử Kim Đoàn – người từng xuống cõi Diêm Phù Đề rằng vị Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ nên sinh vào chỗ nào, nhà nào thì phù hợp? Bồ Tát Hộ Minh cũng cho biết gia đình mà Bồ Tát bổ xứ thác sinh phải là gia đình đầy đủ 60 công đức.

Một trong số 60 công đức của dòng họ thích hợp để Đức Phật đản sinh có thể kể đến như:
1. Dòng họ này từ xưa đến nay phải thanh tịnh tốt đẹp.
2. Nhà này thường được chư Hiền Thánh gia tâm ủng hộ.
3. Nhà đó không làm tất cả điều ác.
4. Người sinh trong nhà đó hết thảy đều được thanh tịnh.
5. Dòng họ phải chân chính không bị xen lẫn dòng máu họ khác.
6. Con cháu nhà đó nối nhau làm vua, phải là trưởng tử không gián đoạn.
7. Nhà vua từ xưa đến nay không có gián đoạn.
8. Tất cả các vua sinh trong nhà này từ trước đến nay phải là người trồng nhiều căn lành.
9. Người sinh trong nhà này thường được Chư Thiên Hiền Thánh ca ngợi.
10. Người sinh trong nhà này phải đầy đủ oai đức lớn.
11. Hết thảy vợ con trong nhà này đều tiết hạnh đoan chính.
12. Nhà này sinh nhiều con trai trí tuệ dũng mãnh.
13. Người trong nhà này tâm tính nhu hòa

Chọn mẹ thích hợp

1. Người mẹ ấy phải được sinh trong nhà đạo đức chân chính
2. Người mẹ đó tứ chi thân thể phải vẹn toàn
3. Đức hạnh phải vẹn toàn
4. Người này phải sinh trong nhà tôn quý
5. Người mẹ đó phải là bậc mẫu mực
6. Phải thuộc chủng tộc thanh tịnh
7. Người mẹ đó đoan chính không ai sánh bằng
8. Người mẹ đó địa vị và đức hạnh phải tương xứng.
9. Người mẹ đó hình dung phải cân đối.
10. Người mẹ đó chưa từng sinh sản
11. Người mẹ đó có công đức lớn
12. Người mẹ đó tâm thường nghĩ những điều vui
13. Người mẹ đó tâm không tà vậy.
14. Người mẹ đó ba nghiệp thân, khẩu, ý được điều phục.
15. Người mẹ đó không có tâm sợ sệt.
16. Người mẹ đó học rộng nhớ dai.
17. Người mẹ đó rất giỏi về nữ công.
18. Người mẹ đó không có tâm su nịnh.
19. Người mẹ đó không có tâm rối gạt.
20. Người mẹ đó không có tâm sân hận.
21. Người mẹ đó không có tâm đố kỵ.
22. Người mẹ đó không có tâm bỏn xẻn.
23. Người mẹ đó không có tâm bồng bột.
24. Người mẹ đó không có tâm dễ bị lay chuyển.
25. Người mẹ đó có tướng mạo rất tốt.
26. Người mẹ đó tâm thường giữ tính nhẫn nhục.
27. Người mẹ đó tâm biết hổ thẹn.
28. Người mẹ đó ít lòng dục, ít sân hận.
29. Việc làm của người mẹ đó không trái với nữ hạnh.
30. Người mẹ đó có hạnh chiều chuộng chồng con.
31. Người mẹ đó phát sinh các hạnh công đức đều được đầy đủ.
32. Người mẹ đó đầy đủ các tiết hạnh.

Quán sát tuổi thọ của chúng sinh

Quán sát tuổi thọ của chúng sinh
Quán sát tuổi thọ của chúng sinh

Chúng sinh có độ tuổi bao nhiêu là phù hợp cho sự truyền bá chân lý cũng được Bồ Tát Hộ Minh quán sát rất kỹ. Bồ Tát chọn thời điểm chúng sinh có tuổi thọ khoảng 100 tuổi để giáng sinh. Nếu chúng sinh có tuổi thọ chừng 2.000 tuổi đến 8.000 tuổi thì Ngài chưa giáng sinh. Vì chúng sinh sống lâu quá sẽ không thấy vô thường và không sợ vô thường. Nhưng chúng sinh có tuổi thọ khoảng trăm tuổi, thấy được người khác chết sẽ biết được vô thường. Bởi vậy, tuổi thọ khoảng 100 tuổi là hợp lý để Đức Phật giáng sinh.

Trong rất nhiều bài kinh có dạy về tuổi thọ của chúng sinh. Có những thời kỳ loài người sống đến vài nghìn tuổi, nhưng cũng có thời kỳ chúng sinh chỉ sống đến 10 tuổi. Khi Bồ Tát Hộ Minh quán chiếu độ tuổi trung bình của chúng sinh ở cõi Nam Thiện Bộ châu khi đó là 100 tuổi, độ tuổi không quá dài sẽ khiến chúng sinh dễ tiếp nhận, nghĩ đến vô thường. Bởi vì họ biết rằng cái chết không lâu mà đến, 100 tuổi qua rất nhanh, con người không thể sống mãi. Chính vì vậy, chúng sinh sẽ nghĩ hiểu về vô thường và lo tu tập.

Chọn ngày, tháng giáng sinh thích hợp

Trước khi đản sinh xuống thế gian, Bồ Tát Hộ Minh cũng quán xét về ngày, tháng để Ngài sinh ra. Bồ Tát chọn ngày đản sinh chính là ngày 08/4 Âm lịch (Phật giáo Nam truyền thì cho rằng Đức Phật đản sinh ngày Rằm tháng tư). Theo văn kinh, khoảnh khắc Đức Phật đản sinh, chim hót líu lo, muôn hoa đua nở, mây trời vần vũ, nhạc trời vang lên; cảnh sắc tuyệt đẹp và muôn loài vô cùng hân hoan đón chào sự ra đời của Ngài.

Chọn rừng, núi để tu hành

Sau khi chọn được ngày, tháng giáng sinh thích hợp, Bồ Tát Hộ Minh tiếp tục quán sát về nhân duyên thứ tám: Nơi núi rừng, chỗ xuất gia tu tập thích hợp. Ngài lựa chọn rừng núi để đản sinh và sau này đó là nơi Ngài xuất gia tu hành.

Qua những sự quán sát nhân duyên đản sinh của Bồ Tát Hộ Minh, chúng ta thấy rằng, Ngài đản sinh không phải do nghiệp chi phối như chúng sinh phàm phu mà do hạnh nguyện độ sinh, tâm từ bi vô lượng của Ngài. Ngài quán sát đầy đủ các nhân duyên đản sinh, thị hiện nơi đời để cứu khổ chúng sinh. Không những thế, chúng ta còn thấy được chính báo và y báo của Ngài rất chân thật. Con người chúng ta là chính báo, hoàn cảnh của mình là y báo. Chính báo tốt đẹp thì y báo bắt buộc phải tốt đẹp. Bồ Tát Hộ Minh là vị Bồ Tát nhất sinh bổ xứ nên có những y báo tốt đẹp như vậy.

Qua đó, chúng ta biết cần phải nỗ lực tu tập để chuyển hóa chính báo. Mỗi mỗi chúng ta phải thay đổi, phải tự mình hoàn thiện tốt đẹp thì tự nhiên cảnh giới của mình tốt đẹp.

Bài viết liên quan